TÍNH NHÂN VĂN TRONG CÂU CHUYỆN "NHÁT ĐINH CỦA BÁC THỢ"
Có một nhà văn nói rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” Hiện thực cuộc sống được xem như là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy mà bức tranh thể hiện cuộc sống và con người trong tác phẩm “Nhát đinh của bác thợ” của nhà văn Phong Thu đã để lại ấn tượng cho người đọc. Với cốt truyện, nhân vật và nhũng chi tiết đặc sắc, tác giả đã vẽ nên bức họa về sự tận tụy, tỉ mỉ, trách nhiệm trong công việc của người lao động trong cuộc sống bình thường.
TÍNH NHÂN VĂN TRONG CÂU CHUYỆN "NHÁT ĐINH CỦA BÁC THỢ"
Có một nhà văn nói rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” Hiện thực cuộc sống được xem như là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy mà bức tranh thể hiện cuộc sống và con người trong tác phẩm “Nhát đinh của bác thợ” của nhà văn Phong Thu đã để lại ấn tượng cho người đọc. Với cốt truyện, nhân vật và nhũng chi tiết đặc sắc, tác giả đã vẽ nên bức họa về sự tận tụy, tỉ mỉ, trách nhiệm trong công việc của người lao động trong cuộc sống bình thường.
Nhà văn Phong Thu tên đầy đủ là Nguyễn Phong Thu, sinh năm 1934, quê ở xã Kiên Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông được biết đến là nhà văn của thiếu nhi với nhiều tác phẩm như Hoa mướp vàng, Xe lu và xe ca, Cây bàng không rụng lá, Cái cúc màu xanh, Bồ nông có hiếu, ... Ông cần mẫn cầm bút cho đến giây phút cuối đời cùng số đầu sách được xuất bản gần bằng số tuổi của ông. Nhà văn Phong Thu đã đóng góp không biết mệt mỏi trong việc bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ thơ thông qua văn học. Với hơn 80 đầu sách thiếu nhi, trong ký ức của lớp lớp thế hệ học trò, những tác phẩm như: “Xe lu và xe ca”, “Hoa mướp vàng”, “Đi tìm việc tốt”... luôn là những bài học đầu tiên, dung dị mà chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.
“Nhát đinh của bác thợ” kể về một người thợ mộc đã sửa chữa chiếc ghế tựa trong gia đình nhân vật “tôi”. Bác rất tận tụy và cẩn thận, không chỉ sửa lại phần hỏng mà còn kiểm tra và hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Sau khi hoàn thành công việc, bác thợ rời đi nhưng lại vội quay lại trong mưa vì nhớ ra còn cái đinh chưa đóng hết và lo lắng rằng ai đó có thể bị rách quần áo nếu để yên. Bác đóng nhát đinh cuối cùng, không nhận thêm tiền của cha “tôi” rồi ra về trong mưa.
Truyện ngắn “Nhát đinh của bác thợ” gây ấn tượng với tôi trước hết ở chủ đề người lao động đầy tính nhân văn có chiều sâu tư tưởng. Truyện đặt ra vấn đề cốt lõi về giá trị lao động và vai trò, phẩm chất của người lao động bình thường trong cuộc sống chúng ta.
Chủ đề này được thể hiện rõ nét qua từng hành động, cử chỉ, lời nói và cảm xúc của nhân vật bác thợ. Đọc truyện, tôi vô cùng ấn tượng với hình ảnh bác thợ cần mẫn, tỉ mỉ trong từng động tác bàn tay tài hoa và niềm say mê khi làm việc: “Đôi tay có những ngón sần sùi , gân guốc đặt vào đâu, chỗ đó lập tức thay đổi và chiếc ghế dần lành lại như mới”. Bác “cặm cụi” tập trung vào công việc mình làm. Chiếc ghế lành lại như mới là thành quả tốt đẹp, là những giá trị bác đã đem lại bằng công sức, tài năng của mình dành tặng cho mọi người. Sửa xong chiếc ghế, “bác thợ xoa xoa tay trên mặt ghế vừa được thay lại như để từ biệt đứa con của mình”. Phải là người yêu công việc lắm bác mới có tình cảm gắn bó, ấm áp, máu thịt dành cho đứa con của mình bằng những hành động đẹp đẽ như vậy. Làm việc không phải chỉ để kiếm sống mà vì tinh thần trách nhiệm và sự tử tế của mình có thể đem lại cho cuộc đời: “Đi được một quãng xa, tôi chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh. Để vậy, có người sẽ rách quần áo, bác ạ !” Không quản trời mưa tầm tã, bác thợ quay lại đóng nốt đầu của chiếc đinh tránh người ngồi bị rách quần áo, từ chối nhận thêm tiền của người bố. Những chi tiết trên không chỉ thể hiện sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao của bác mà còn cho thấy bác là một người giàu lòng tự trọng. Thông qua chủ đề này, truyện truyền tải tới người đọc quan điểm nhân văn sâu sắc của Phong Thu về con người và cuộc sống. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng, dù cuộc sống đầy rẫy khó khăn, nhưng nếu làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, sẽ luôn nhận được tình yêu và sự trân trọng của người khác. Qua đó tác giả muốn gửi gắm thông điệp về việc nhận thức được sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và sự tử tế, chân thành là những phẩm chất tốt đẹp mỗi người cần phải có.
Chủ đề của truyện còn thể hiện qua mối quan hệ giữa các nhân vật. Đó là quan hệ bác thợ và nhân vật bố : tuy bác thợ chỉ là người làm nghề, thực hiện công việc mình phải làm nhưng hành động trả thêm tiền của người bố khi bác quay lại đã thể hiện cách cư xử phù hợp, thái độ trân trọng, biết ơn trước hành động của bác. Đó là những phẩm chất đáng quý để người thợ có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích cho mọi người và những đứa trẻ như nhân vật “tôi” : “trong trí nhớ non tơ của tôi không bao giờ phai mờ hình bóng bác thợ và cứ nghe rõ mãi nhát đinh của người thợ tận tụy với công việc, với nghề của mình” ngay từ khi còn bé cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống của những người lao động bình thường. Nó là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.
“ Nhát đinh của bác thợ” khiến người đọc ấn tượng không chỉ bởi chủ đề mang đậm chất nhân văn mà còn bởi nghệ thuật viết truyện giản dị, ngôn ngữ trong sáng nhưng lôi cuốn, tinh tế cùng cách xây dựng nhân vật và chi tiết tiêu biểu đã tạo ấn tượng khó quên với người đọc.
Đến với tác phẩm điều khiến tôi ấn tượng nhất là cách xây dựng cốt truyện. Trước hết, truyện đã xây dựng cốt truyện xoay quanh chuỗi sự kiện “ghế hỏng – bác thợ sửa chiếc ghế như mới – bác quay lại trong mưa và đóng nốt đầu đinh – bố trả thêm tiền nhưng bác không nhận” xúc động mang ý nghĩa sâu sắc. Cốt truyện này tạo ra một chuỗi hành động và phản ứng, qua đó, thể hiện vẻ đẹp phẩm chất của các nhân vật và chủ đề truyện một cách tinh tế. Với cốt truyện đơn tuyến đơn giản, gần gũi với đời thường nhưng tác giả đã xây dựng được tình huống truyện ý nghĩa : “mấy anh em nô đùa làm hỏng chiếc ghế tựa”. Tình huống độc đáo này đã tạo bối cảnh cho câu chuyện làm bộc lộ những phẩm chất, tính cách của các nhân vật. Hành động “bác thợ sửa chiếc ghế như mới, cần mẫn đóng từng chiếc đinh một” không chỉ hiện lên phẩm chất tỉ mỉ và tài năng của bác mà còn làm hoàn chỉnh nét đẹp giản dị của một người lao động yêu nghề. Việc “bác quay lại trong cơn mưa tầm tã để đóng nốt đầu đinh” càng hoàn thiện thêm vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người thợ : sự trách nhiệm và tận tâm với công việc và cộng đồng. Hành động “trả thêm tiền” của người bố là sự kết hợp giữa lòng nhân ái và sự tôn trọng nhân phẩm của người khác. Thế nhưng, thay vì nhận tiền, bác thợ lại “từ chối và ra về trong mưa”. Việc đó không đơn thuần là hành động tự trọng mà còn là biểu hiện của nhân phẩm, thể hiện quan niệm “nghèo mà có tự trọng” trong văn hóa người Việt. Có thể nói, với cốt truyện như vậy, tác giả không chỉ đẩy mạch truyện phát triển mà còn là phương tiện nghệ thuật hiệu quả để Phong Thu khắc họa tâm lí nhân vật và làm nổi bật chủ đề về tình người trong xã hội.
Cùng với cốt truyện, Phong Thu cũng thành công trong việc xây dựng nhân vật bác thợ . Nhà văn đã khắc họa tính cách cao đẹp của con người lao động ấy qua các chi tiết miêu tả lời nói và hành động. Điều này thể hiện rõ nhất trong hành động “tỉ mỉ sửa chiếc ghế tựa”, “vượt mưa gió quay lại đóng nốt đầu đinh” và lời nói của bác thợ “Đi được quãng xa, tôi chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh. Để vậy, có người sẽ rách quần áo, bác ạ !” với người bố. Qua những hành động, lời nói ấy, tác giả đã tôn thêm vẻ đẹp của nhân vật người lao động khiến ta ngưỡng mộ, ngợi ca. Đặc biệt, nhân vật người thợ còn được thể hiện rõ nét qua cách nhìn nhận, đánh giá của người kể chuyện. Với ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, giản dị nhưng cũng rất sâu sắc, xen lẫn lời kể cùng bộc lộ cảm xúc gợi nhiều suy ngẫm, tạo dư âm trong lòng người đọc, từ đó đã khơi gợi lên sự đồng cảm trong tiềm thức của người đọc, giúp nhân vật trở nên sống động, gần gũi, nội dung truyện sâu sắc, ý nghĩa.
Mặc dù cốt truyện đơn giản nhưng Phong Thu đã khéo léo sử dụng các chi tiết tiêu biểu để tạo nên chiều sâu cho tác phẩm. Chi tiết chiếc ghế hỏng và cha phải gọi người để sửa không chỉ là vật để kết nối các nhân vật mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết , sự sẻ chia giữa các nhân vật: bác thợ – bố “tôi”, bác thợ – “tôi”. Sự đối lập giữa cơn mưa to, gió lớn ngoài trời với hình bóng bác thợ mờ dần, mờ dần trong mưa tạo nên một tầng ý nghĩa sâu xa về tinh thần vượt khó, ý chí nghị lực vượt lên hoàn cảnh của người thợ yêu nghề. Các chi tiết đó đã thúc đẩy mạch phát triển của câu chuyện, đồng thời góp phần thể hiện tính cách các nhân vật. Đặc biệt chi tiết từ chối nhận tiền công từ người bố không chỉ thể hiện tính cách đầy tự trọng của người lao động mà đó còn là nét đẹp trong phẩm chất lao động của người Việt Nam.
“Nhát đinh của bác thợ” là câu chuyện hết sức ấm áp về vẻ đẹp phẩm chất của người lao động và sự cảm thông, thấu hiểu giữa người với người. Câu chuyện ấy còn hấp dẫn chúng ta bởi nét đặc sắc trong ngòi bút nghệ thuật của Phong Thu. Gấp trang sách lại, tôi thấy hình ảnh bác thợ như nhắc nhở tôi hãy mở lòng chia sẻ, cảm thông, quan tâm người lao động. Biết đâu, tôi có thể mang lại tình yêu thương, nụ cười cho một ai đó xung quanh đang gặp khó khăn trên bước đường đời. Tác phẩm này xứng đáng sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng độc giả.
HS Lê Hà Thư - 8A3