MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT
Thứ hai - 10/05/2021 13:54 | Đã xem: 2125
Tình cha, nghĩa mẹ luôn là những câu chuyện, bài văn, bài thơ hay. Chẳng thế mà đã có biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật viết về đề tài thiêng liêng này. Đối với mỗi đứa con, cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng. Khi người con có được đầy đủ tình yêu thương của cả người bố lẫn người mẹ, con sẽ như chồi non của cây, có đầy đủ dinh dưỡng và sức mạnh, sẽ dần hình thành và lớn lên giữa tình thương bao la của bố mẹ. Chính tình cảm ấy như những hạt giống của niềm vui, của những tia hy vọng mà bố mẹ dành cho con, mong con được lớn lên bằng người. Tuy cùng là người dưỡng dục sinh thành ra ta, nhưng tình cảm bố mẹ dành cho ta mỗi người thể hiện một khác. Tình cảm của mẹ luôn được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng những lời yêu thương, động viên, nhắc nhở, còn tình yêu của bố lại thâm trầm, bình lặng hơn, bố không dễ dàng nói ra tình yêu thương của bố dành cho ta nên có đôi khi ta chẳng thể cảm nhận được...
Đối với tôi, bố tôi là người đặc biệt, bố là tất cả với gia đình tôi, không chỉ bởi bố là trụ cột của gia đình, bố luôn yêu thương ba mẹ con tôi mà còn bởi nhiều điều mà chỉ qua thư tôi mới dễ dàng bày tỏ lòng mình với bố. Tính bố xuề xòa, rộng lượng, rất yêu thương vợ con nhưng thường thể hiện bằng hành động hơn là những lời hoa mĩ. 13 năm làm con của bố, tôi thấy bố mình lúc nào cũng rất mạnh mẽ, bản lĩnh, chưa có khó khăn nào trong cuộc sống khiến bố phải đầu hàng, chưa bao giờ tôi thấy bố khóc. Ấy vậy mà, lần đầu tiên tôi thấy bố xúc động, bố đã khóc vì hạnh phúc khi đọc bức thư này: món quà sinh mà tôi dành tặng bố nhân sinh nhật lần thứ 40 của bố chính là bức thư này. Bố bảo: Đây là món quà đặc biệt nhất mà bố nhận được. Bố sẽ luôn mang theo bên mình!
Và đây là “món quà” của tôi:
Kính gửi bố thân yêu của con!
Chắc hẳn bố sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được bức thư này của con vì con chưa bao giờ, thậm chí là trong bài tập làm văn, mà nói về bố. Con đã viết văn, viết thư để gửi cho rất bà, cho mẹ, cho thầy cô,... nhưng chưa bao giờ gửi cho bố. Phải chăng do viết về bố quá khó ? Có lẽ vậy . Dù bố là người thân thiết nhất của con, cùng với mẹ, nhưng con lại không biết miêu tả bố thế nào về bố cho đúng. Có lẽ do con chưa hiểu hết được bố. Có một lần sinh nhật bố, con quên không chuẩn bị quà, bố chỉ cười nói: “ Dù sao đây cũng không phải ngày sinh nhật bố, bà đi khai sinh nhầm đấy! Không sao đâu con.” . Dù bố cười, nhưng chính nụ cười ấy khiến con áy náy mãi.
Lịch của bố giống hệt mẹ. Sáng dậy sớm, bố cùng mẹ đi chợ ngoài Hà Nội. Đến sinh nhật con bố vẫn mua quà đầy đủ. Bố cũng thường xuyên nấu cơm cho con ăn, có khi bố còn nấu ngon hơn cả mẹ. Vậy mà con chỉ biết viết về mẹ, tả mẹ, kể về mẹ, chưa có lấy một con viết về bố.
Mỗi khi con đi học thêm, không phải mẹ thì luôn là bố đưa đón con. Có hôm con đi học đến gần mười giờ, trời đang mưa tầm tã, bố mẹ của các bạn còn chưa đến, con đã thấy bố đến rồi. Mặt bố trắng bệch vì lạnh, mặc áo mưa đứng đợi con. Khi đón con, lúc trời lạnh thì bố mang thêm áo ấm, khi trời mưa thì bố chẳng bao giờ quên áo mưa. Bố vẫn luôn yêu thương con chẳng khác gì mẹ thương con, vậy mà tại sao đến bây giờ con mới nhận ra?
Tóc bố đã lấm chấm sợi bạc, con luôn biết thế. Nhưng con lại không biết số tóc bạc ấy đang tăng dần, cũng chỉ vì bố làm lụng vấy vả, kiếm tiền nuôi con. Vậy mà khi con nhổ tóc bạc cho bố, con chỉ biết kêu
“tại sao bố nhiều tóc bạc thế!” mà chẳng nghĩ đến việc ấy chứ? Làn da bố đen sạm vì mài giũa dưới ánh nắng và gió sương. Dù trời nóng hay trời lạnh, trời mưa hay trời nắng, bố vẫn phải đi làm, vì tụi con, vì gia đình. Vậy mà con lại rất thích thú khi so da tay mình với tay bố, vì lúc ấy con luôn trắng hơn bố, mà chẳng nghĩ đến nguyên nhân vì sao bố lại đen như vậy. Có lần con hỏi: “ Bố ơi, sao da bố đen thế, chẳng giống con gì cả?”. Khi ấy bố đùa: “ Ừ nhỉ! Hay là mầy là con ông xích lô? Sao chẳng giống bố gì hết?”.
Hàng ngày, bố đi làm về, nếu con chưa đi học về thì bố lại giúp mẹ nấu cơm cho con ăn, chẳng cần nghỉ ngơi. Vậy mà khi con ở nhà, dù đã nấu cơm cho bố mẹ, nhưng khi thấy bố mẹ về, con chẳng bao giờ thốt lên được câu:
“ Bố mẹ có mệt không? Bố mẹ có nóng không? Bố mẹ có đói không?” nữa kìa. Nghĩ lại, sao con thấy mình vô tâm quá! Mỗi buổi chiều bố luôn dặn con phải quét sân, quét nhà. Thế nhưng con lại toàn quên. Khi con nhớ con làm thì con quét không sạch, bố phải hướng dẫn con từng ly từng tí một. Lúc ấy con chẳng thể nói lời cảm ơn cũng như lời xin lỗi đối với bố.
Bố luôn thích sự gọn gàng, sạch sẽ, con biết vậy, nhưng con chẳng bao giờ làm bố hài lòng. Lúc nào bố cũng phải nhắc con. Và hôm sau, con lại tái phạm. Con thật hư phải không bố? Con biết rõ rằng bố làm vậy chỉ muốn tốt cho con, muốn sau này con lớn lên mới trưởng thành được. Vậy mà con bỏ ngoài tai những lời bố nói. Bố dạy con cách quét nhà, nấu cơm, làm thức ăn đến cách ăn nói, lễ phép với người lớn. Nhưng có lẽ, con chỉ nhớ được vài ba lời bố dạy và chỉ làm tốt được vài điều trong những việc trên. Bây giờ mỗi lần con làm sai, bố chỉ nói vài ba câu nhẹ nhàng, không còn nói rồi quát như trước nữa, nhưng con vẫn thấy được sự thất vọng nơi khóe mắt của bố, đôi mắt đã đỏ quạch vì mệt mỏi mỗi khi chứng kiến sự bướng bỉnh của con. Con thấy mình thật có lỗi!
Những dịp đi chơi cùng gia đình, thật ít những bức ảnh con chụp riêng với bố, vì bố chính là người cầm máy ảnh chụp cho con. Vậy mà khi bố chụp ảnh con chẳng cười vì con không thích chụp ảnh, ảnh nào cũng phụng phịu, giận dỗi. Con đâu biết rằng, bố thích chụp ảnh vì muốn “Lưu giữ những khoảnh khắc mà các con đang lớn lên, đang thay đổi từng ngày”. Những bức ảnh đó hẳn là rất xấu xí, phải không bố? Những tấm ảnh là nơi lưu giữ rất nhiều kỉ niệm, vậy mà con chỉ chụp chung với bố được chục tấm. Với con số là mười ba tuổi của con, phải chăng vậy là quá ít ỏi?
Còn nhớ hồi con còn bé, bố bảo bố bế con rất nhiều, khi ấy ai cũng bảo con ngoan, chẳng bao giờ quấy khóc. Thế nhưng con biết, để bế con bố phải rất vất vả và cẩn thận. Nhà mình mất điện, bố là người cầm quạt tre quạt cho con trên đôi tay sần sùi. Bố kể con nghe những câu chuyện thời bố còn bé, bố làm lụng ra sao để giúp ông bà. Bố cứ vừa nói vừa quạt, chẳng hề than vãn mệt mỏi. Con thì chỉ chăm chăm nghe bố kể. Giá như lúc đó con hiểu chuyện, con rất muốn nói với bố rằng: “ Bố ơi bố đừng quạt nữa, con quạt cho bố nhé?”.
Bố ơi, đến bây giờ con nói lời cảm ơn có phải quá muộn không nhỉ? Nhưng kí ức ấy dù chẳng được chụp hay lưu giữ bằng sổ sách, nhưng nó luôn nằm gọn trong trái tim con, nó sẽ luôn là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, tình thương con dành cho bố. Mãi mãi chẳng bao giờ dập tắt.
Con tin bố sẽ là người hướng dẫn con, cùng mẹ, dìu dắt con trên con đường đời. Dù con biết sẽ đến lúc con phải đi trên chính đôi chân của mình. Thế nhưng, con luôn mong muốn có bố mẹ ở bên, theo dõi con, cổ vũ con trên con đường con đã chọn. Con tin lời cổ vũ, động viên của bố mẹ là nguồn động lực lớn nhất, giúp con vượt qua mọi chông gai, thử thách.
Con thường so sánh công sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ với núi cao, biển rộng khi cô kiểm tra trên lớp, nhưng giờ con đã hiểu, bố mẹ là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho con, chẳng thứ gì có thể so sánh bằng. Và con biết, con phải trân trọng món quà quý giá ấy.
Con mong rằng những tháng ngày mai sau, gia đình ta vẫn luôn là gia đình êm ấm, luôn tràn ngập tình yêu thương, sự vui vẻ và niềm hạnh phúc.
Con đã hỏi bà rồi, hôm nay chính là ngày sinh thật của bố đấy! Con mong bố luôn khỏe mạnh để yêu thương 3 mẹ con nhiều hơn nữa, bố cho con những lời khuyên, kể cho con nghe những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” của bố. Cuối cùng con muốn Bố biết rằng với chúng con:
BỐ LÀ TẤT CẢ! BỐ LUÔN TUYỆT VỜI NHẤT!
Yêu bố của con!,
Tác giả bài viết: Chu Thị Ngọc Ánh-Giải KK cuộc thi viết “Bố là tất cả”