Giới thiệu sách hay : "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán
Thứ sáu - 26/09/2014 13:31 | Đã xem: 8074
Trong bài viết mở đầu chuyên mục giới thiệu sách, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nhà văn Phùng Quán, cuốn Tuổi thơ dữ dội.
Trong bài viết mở đầu chuyên mục giới thiệu sách, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nhà văn Phùng Quán, cuốn Tuổi thơ dữ dội.
Trong cuộc đời, mỗi người có thể đọc đến cả nghìn cuốn sách, nhưng không phải tất cả trong số đó đều là những cuốn sách hay. Có cuốn sách nhạt nhòa, đọc một lần rồi quên nhưng có cuốn sách đi sâu vào tâm thức, khiến ta mãi không thể thoát khỏi dư âm của nó.
“Tuổi thơ dữ dội”. Cuốn tiểu thuyết được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong túp lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn sách như 1 mảnh ghép sống động và chân thực trong bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến anh dũng trường kì chống Pháp của quân và dân ta. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, người ta thấy nhà văn ngợi ca tình yêu đất nước, ngợi ca cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ngợi ca những người anh hùng và ngợi ca cả một thời vang bóng của cuộc đời mình. Không mảy may vương vấn những nhỏ nhen trần thế, ông vẫn viết bằng chính lí tưởng đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thuở còn ấu thơ, vẫn nuôi những ước mơ đẹp đến nao lòng… Chính vì thế nên khi “Tuổi thơ dữ dội” được xuất bản năm 1988, cuốn sách đã nhanh chóng đạt được những thành công vang dội. Nó được nhận giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và hai năm sau đó, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Cho đến nay, “Tuổi thơ dữ dội” đã trải qua nhiều lần tái bản với bản mới nhất của Bộ Văn hóa-Thông tin. Cuốn tiểu thuyết được in với khổ 15x20cm với bìa cứng, trên đó là hình ành của một chú bé Vệ Quốc Đoàn.
Đúng như tên gọi của nó, Tuổi thơ dữ dội cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên. Tôi cũng không biết mình đã đọc đi đọc lại cuốn sách này bao nhiêu lần nữa. Chỉ nhớ rằng mỗi khi đọc lại, từng dòng chữ vẫn gợi lên trong tôi biết bao cảm xúc.
Người ta vẫn thường nói, tuổi thơ là là quãng thời gian yên bình, tĩnh lặng nhất trong cuộc đời. Nhưng điều đó có lẽ không đúng với những ai sống trong thời chiến. Những chú bé đội trinh sát binh đoàn Trần Cao Vân trong Tuổi thơ dữ dội cũng thế. Sinh ra khi đất nước nhuốm màu khói lửa, mới chỉ 13, 14 tuổi đã xung phong vào Vệ Quốc Đoàn, tuổi thơ của những người chiến sĩ nhí ấy gắn liền với các trận đánh ác liệt, với mệnh lệnh nghiêm khắc của cấp trên,.. và thậm chí cả sự chết chóc. Những giữa những hiểm nguy của chiến trường, mỗi cậu bé Vệ Quốc Đoàn đều mang trong mình sự lạc quan, tình yêu đời, yêu nước tha thiết. .
Tôi sinh ra khi đất nước hòa bình, chưa một lần phải đối mặt với những gian truân của cuộc đời. Với tôi, chiến tranh đơn giản chỉ là những câu chuyện mà bố mẹ, ông bà, “thế hệ trước” đã trải qua và kể lại, có gì đó rất xa xôi. Nhưng với ngòi bút chân thực đến ngỡ ngàng, Phùng Quán đã khiến tôi như sống trong những tháng ngày chiến đấu ác liệt mà hào hùng của đất nước. Ông cho tôi hiểu cuộc sống nơi chiến khu khó khăn đến nhường nào. “Người ta thường hình dung nỗi gian khổ của những người kháng chiến ở chiến khu là đói và rét. Nhưng rận, ghẻ, sốt rét mới thật là kinh khiếp.” Và trên hết, với những người tham gia chiến đấu, phải chấp nhận mình có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Đọc Tuổi thơ dữ dộị nhiều lúc tôi tự cảm thấy mình quá yếu đuối, hèn nhát khi không dám đối mặt với những khó khăn của cuộc đời. Vậy mà họ - những cậu bé Vệ Quốc Đoàn, dù cuộc sống trăm nghìn thiếu thốn, ngay cả khi phải đối mặt với cái chết, họ vẫn luôn giữ vững niềm tin vào một ngày mai đất nước độc lập.
Tuổi thơ dữ dội đã khiến tôi vui cùng sự ngây thơ hồn nhiên của những chú bé, có những khi bật cười vì sự liến láu của Tư dát – người thường nghĩ ra đủ trò đùa cho cả đội. Tuổi thơ dữ dội cũng khiến tôi nín thở dõi theo ba lần vượt ngục của Lượm, có những đoạn hồi hộp đến nỗi tôi tưởng rằng trái tim mình đang bị ai bóp nghẹt.
Và, Tuổi thơ dữ dội đã khiến tôi khóc. Khi đọc đến những trang cuối cùng, tôi đã khóc rất nhiều. Tình yêu nước, tình bạn thủy chung giữa những người đồng chí, và sự trong trắng dung dị của những người chiến sĩ nhỏ ấy đã khiến tâm hồn tôi rung động.
Đến tận bây giờ mỗi khi giở lại một trang của cuốn sách, tôi đều không thể kìm lòng mà đọc lại một cách say mê. Có thể nói, điều đặc biệt nhất của Tuổi thơ dữ dội đó chính là sự ám ảnh đối với người đọc từ diễn biến, kết thúc đến từng câu chữ, hình ảnh. Mỗi lần đọc lại cuốn sách tôi lại tkhông thể nào ngăn nổi những dòng nước mắt cảm thương cho những chú bé - những người anh hùng nhỏ tuổi mà kiên cường, dũng cảm. Với tôi, những nhân vật như Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Bồng da rắn,.. chính là những bông hoa đẹp. Họ mộc mạc, hồn nhiên, giản dị, nhưng cũng rất kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Cả một đời người, cho dù nó rất ngắn ngủi, thậm chí chỉ là mười bốn, muời lăm năm, nhưng họ đã sống hết mình cho Tổ quốc.
Còn rất nhiều điều tôi muốn nói về cuốn tiểu thuyết này. Nhưng có lẽ sẽ ý nghĩa hơn khi các bạn tự mình đọc Tuổi thơ dữ dội, suy ngẫm, tự xác định cho mình một con đường cũng như một lí tưởng sống sao cho đúng đắn và có ích đối với quê hương đất nước.
Tác giả bài viết: thư viện