Giao lưu với Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân

Ngày 28/12 , trường THCS Chu Mạnh Trinh tổ chức buổi Giao lưu với Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân và đoàn sĩ nghệ thương binh Hà Nội. Dự buổi giao lưu có sự tham gia của các phụ huynh đại diện cho hội CMHS toàn trường, phóng viên đài phát thanh huyện Văn Giang, toàn thể CBGV cùng hơn 400 học sinh toàn trường.


          Mở đầu cho buổi gặp mặt giao lưu là các tiết mục văn nghệ của các nghệ sĩ thương binh Hà Nội và các em học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh.
 
  
          Tiếp theo là những chia sẻ về những kỉ niệm  của anh hùng Phạm Tuân:
 
 Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân
 
          Trung tướng,  Anh hùng Phạm Tuân sinh ngày 14 tháng 2 năm 1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng Không quân Nhân dân Việt Nam năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967 và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B-52.Vào đêm 27 tháng 12 năm 1972, theo tài liệu lịch sử chính thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.

          Năm 1977 ông được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1 tháng 4 năm 1979. Vị trí của ông ban đầu thuộc về phi công Nguyễn Văn Cốc, nhưng Cốc về sau bị loại vì không vượt qua bài kiểm tra thể lực. Ngày 23 tháng 7 năm 1980, tức ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Thân, ông cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào và trở về Trái Đất ngày 31 tháng 7 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Ông ở trong không gian trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Trung tướng Phạm Tuân đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất. Ông là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ.

         Tại buổi giao lưu các bạn học sinh đã đặt ra nhiều câu hỏi đến 
Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân về những gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến trên không để bắn rơi pháo đàu bay B52; cuộc sống sinh hoạt của con người trên tàu vũ trụ, những thí nghiệm ngoài vũ trụ, những đồ dùng Trung tướng Phạm Tuân mang lên tàu vũ trụ, động lực nào để Trung tướng nỗ lực trở thành người Châu Á đầu tiên bước ra ngoài vũ trụ...

          Với những trải nghiệm thực thế, Trung tướng Phạm Tuân đã chia sẻ đến thầy trò trường THCS Chu Mạnh Trinh những những hy sinh gian khổ trong chiến tranh, sự mưu trí của các phi công nước nha khi đối đầu với pháo đài bắn B52 và những kỉ niệm, sự nỗ lực khẳng định vị trí của người Việt Nam trên trường Quốc tế trong những ngày rèn luyện để bay ra ngoài vũ trụ… Kết thúc buổi giao lưu Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân đã nhắn nhủ tới các bạn học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh mong muốn các em tiếp nối truyền thống của cha ông, phấn đấu học hành chăm chỉ xây dựng và bảo vệ đất nước.
 

 
Các em học sinh tặng hoa, giao lưu, xin chữ kí.
 
 
Đại diện nhà trường và hội CMHS tặng hoa cảm ơn trung tướng, anh hùng Phạm Tuân.
 
 
Một số tiết mục văn nghệ giao lưu của thầy trò trường THCS Chu Mạnh Trinh với đoàn nghệ sĩ thương binh Hà Nội.



 

Tác giả bài viết: Đào Thị Thùy Linh