Buổi giao lưu đầy ý nghĩa với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Ngày 27/02, dưới những trận mưa xuân ấm áp, cô và trò trường THCS Chu Mạnh Trinh đã có dịp được gặp mặt và trò chuyện với nhà thơ nổi tiếng trong tuổi thơ của nhiều người – nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mưa xuân mang đến sức sống mới cho cây cối. còn nhà thơ thì mang đến những kinh nghiệm quý báu, khơi gợi niềm cảm hứng đọc cho toàn thể học sinh trong trường.

          Đó là một buổi sinh hoạt ngoại khóa ngoài trời, kết hợp giữa sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học với buổi sinh hoạt của trường. Những buổi sinh hoạt toàn trường như này giống như những “trạm dừng chân tinh thần”, để các học sinh trong trường sau những tháng ngày dùi mài kinh sử có thể dừng lại nghỉ ngơi một chút. Đặc biệt, với buổi giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa này, tất cả các bạn học sinh đều rất háo hức vì biết mình được gặp gỡ và trò chuyện với một nhà thơ “thần đồng” bằng xương bằng thịt, được tiếp thêm kiến thức qua mắt thấy tai nghe chứ không phải qua mục tác giả trong sách vở.
         
          Trời hôm đó mưa lai rai, những đốm mưa bay trong không khí như những cánh hoa đào rơi mỗi dịp Tết. Phải chăng đến thời tiết cũng như muốn đón mừng nhà thơ đến trường Chu Mạnh Trinh?       

          Khi nhà thơ tới, toàn thể giáo viên cùng học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh đều vui mừng đón chào ông bằng một sự niềm nở khó giấu. Một tốp các bạn nữ xinh xắn của trường thậm chí còn chuẩn bị sẵn vài tiết mục văn nghệ chào mừng, mà đại đa số đều là những tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết và được phổ nhạc. Có thể thấy, cô và trò trường THCS Chu Mạnh Trinh đã thể hiện sự chu đáo và kính trọng với nhà thơ Trần Đăng Khoa qua cách tiếp đón nồng nhiệt như vậy.

          Sau những màn giới thiệu về mình - một nhà thơ “tài năng xuất chúng” từ thuở bé, và được các độc giả - nhất là độc giả nhí yêu mến, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bước ra khỏi hàng ghế và trực tiếp đi giao lưu với toàn bộ học sinh trường Chu Mạnh Trinh. Tất cả đều bất ngờ vì sự thân thiện, dễ gần, hóm hỉnh của ông, và trên cả, là về sự giản dị cả trong ngoại hình lẫn tính cách. “Cậu bé thần đồng” tự làm thơ năm 10 tuổi năm nào, giờ đang chia sẻ những kiến thức quý báu, những mẹo học tập, những kinh nghiệm đắt giá mà nghe thì cảm thấy thật đơn giản và dễ hiểu cho chúng tôi. Ai cũng có thể cảm nhận được sự gần gũi và yêu mến từ ông dành cho mọi người. Nhất là với học sinh, mỗi lúc ông nói chuyện, chúng ta thấy giống như một cuộc trò chuyện thân mật giữa người ông già đáng kính với các cháu nhỏ hơn là giữa một nhà thơ nổi tiếng với các độc giả của mình. Tuy tài năng nhưng vẫn rất khiêm tốn và giản dị, nhà thơ Trần Đăng Khoa thật sự là một người đáng học tập, cả về cách học lẫn lối sống của ông.

          Cuộc trò chuyện rất cởi mở, gần gũi, ông đã chia sẻ rất nhiều đối với chúng tôi, từ những chia sẻ hóm hỉnh như, “làm thế nào để vẽ Trần Đăng Khoa?” đến những vấn đề sâu sắc hơn, “Chia sẻ về văn hóa đọc”, vấn đề nào cũng được góp mặt. Ông nói rất tự nhiên, kể về những kỉ niệm tuổi thơ của mình, về những áng thơ hay ngày xưa đã làm. Ông kể, ông không phải người tài giỏi, ông làm được thơ như vậy là vì bản thân hay đọc sách. Từ ngày bé ông đã có niềm đam mê sách và biết học theo những cái hay trong sách rồi. Không phải tài ba xuất chúng ở đâu xa, cũng không cần học rộng cao quá làm gì, tất cả kiến thức đều nằm gọn trong sách rồi, việc của chúng ta, chính là tiếp thu những kiến thức đó và điều khiển chúng trở thành một phần quan trọng của bản thân mình. Ông còn nói thêm, ngày trước vì thấy có người nhỏ tuổi đã làm được thơ tặng Bác Hồ, vậy tại sao ông cũng bằng tuổi người ta mà lại không làm được?  Thế là ông làm thơ. Bởi vậy mới nói, đọc thật nhiều sách, có lòng tự tin, việc gì cũng có thể làm được. Nghiễm nhiên, qua những câu chuyện nhỏ về tuổi thơ của mình, nhà thơ đã khơi được nguồn cảm hứng, lòng ham mê đọc sách trong lòng không biết bao nhiêu người.

 
         
          Nhà thơ chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Ông dặn các bạn học sinh phải biết đọc sách, đừng ham chơi vô bổ, vì game điện tử không có ích gì ngoài việc giải trí, thay vào đó chúng ta hãy đi đọc sách, mở mang tri thức, mở mang thế giới quan, mở ra một “thế giới muôn màu ngoài lũy tre”, khiến chúng ta trở nên giỏi hơn, và biết đâu, sẽ thành một “Trần Đăng Khoa” của thập kỉ mới?

          Mưa xuân đẹp nhưng sớm hết. Cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa thật vui vẻ và tràn đầy ý nghĩa nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Toàn thể học sinh trường Chu Mạnh Trinh đều quyến luyến và bịn rịn lúc phải tạm biệt ông. Nhà thơ hứa trong một thời gian gần nhất sẽ quay trở lại, sẽ tiếp tục những câu chuyện còn dang dở và tiếp thêm những sự yêu thích đọc sách, học Văn cho “những học sinh chuyên Toán” ở nơi đây. Tất cả đều nhận ra sự ưu ái của ông dành cho các bạn học sinh, khi ông nói sẽ tự tay trao phần thưởng TRẦN ĐĂNG KHOA cho bạn học sinh nào được giải Nhất/Nhì kì thi Văn toàn quốc. Bởi những bạn học sinh chuyên Toán mà lại cố gắng tốt như vậy đối với môn Văn, thì thật đáng khen ngợi mà!

          Buổi gặp mặt sáng ngày 27/02 ấy thật ý nghĩa. Mỗi bạn học sinh đều như được thắp thêm lửa tinh thần, như nhiệt huyết lên, ai ai cũng cố gắng hết mình học tập. Bởi, để hoàn thành tốt những lời nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dặn, mỗi người ai cũng phải cố gắng hết mình, trở thành những học sinh chăm ngoan, hiếu học, có ích cho tương lai đất nước.




Tác giả bài viết: Đỗ Khánh Linh Lớp 9A2